Để có mặt bằng kinh doanh, phần lớn các thương nhân phải thuê từ chủ sở hữu bất động sản. Tuy nhiên, hợp đồng thuê mặt bằng có cần phải công chứng hay không vẫn còn là thắc mắc của nhiều người thuê nhà và thậm chí cả những người cho thuê.
Theo Điều 17 Luật Kinh doanh bất động sản 2014: “Hợp đồng kinh doanh bất động sản phải được lập thành văn bản. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận, trừ hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này thì phải công chứng hoặc chứng thực.”
Khoản 2, điều 10 Luật kinh doanh bất động sản 2014 quy định:
“Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, trường hợp người cho bạn thuê mặt bằng không phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nên hợp đồng thuê này bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực. Việc công chứng, chứng thực không chỉ giúp các bên ngừa rủi ro mà còn là giá trị để tăng tính pháp lý của hợp đồng khi giao dịch.
Để hợp đồng thuê mặt bằng được chặt chẽ, người thuê nhà cần lưu ý một số vấn đề:
– Tính pháp lý của mặt bằng bạn thuê (chủ sở hữu là ai, có tranh chấp hay không, tình trạng mặt bằng khi bàn giao có những gì…)
– Giá thuê hằng tháng, tiền đặt cọc, phạt vi phạm hợp đồng;
– Diện tích thuê, diện tích sử dụng;
– Mục đích sử dụng mặt bẳng;
– Quyền và nghĩa vụ của các bên;
– Phương thức giải quyết tranh chấp;
– Đơn phương chấm dứt, hủy hợp đồng.
Một trong những vấn đề khiến người thuê mặt bằng lo ngại chính là bên cho thuê đòi lại mặt bằng trước thời hạn. Để hạn chế vấn đề trên, người thuê nhà nên cân nhắc để đưa các nội dung về bồi thường thiệt hại, đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào vào hợp đồng.